Đăng nhập

Cổng TTĐT Phường Phạm Ngũ Lão - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Phường Phạm Ngũ Lão

Căn cứ vào các tài liệu lịch sử và kết quả khảo cổ học, từ thời Hùng Vương trên địa bàn phường nói riêng và thành phố Hải Dương nói chung đã có con người sinh sống và quần cư đông đúc​. Tại đây, con người đã dần dần chinh phục, cải tạo tự nhiên, phát triển hai nghề chính để ổn định cuộc sống là nghề đánh bắt thuỷ sản và cấy trồng cây lúa nước.

Chùa Bảo Sài

Qua nghiên cứu cho thấy, Bảo Sài, Bình Lao là một trong những doi đất cao nhất ở trong khu vực này, với thế đất cao ráo, điều kiện trồng lúa nước và săn bắt cá khá thuận lợi nên con người sớm có mặt ở đây. Dựa theo tộc phả các dòng họ lớn thì ở đây xuất hiện sớm là họ Chử, họ Trương, họ Nguyễn, họ Lương, họ Vũ... Các dòng họ quần tụ bên nhau chống thiên tai, mở mang sản xuất, xây dựng chòm xóm dăm ba hộ một.

Năm 1804, triểu đình nhà Nguyễn cho chuyển lỵ sở Hải Dương từ Mao Điền (huyện Cẩm Giàng) về đất Hàn Giang[2], tại đây nhà Nguyễn cho quân xây dựng thành khá kiên cố gọi là Thành Đông. Từ năm 1804 đến năm 1866, tại Thành Đông chỉ có khoảng hơn 1.000 quan quân đồn trú, xung quanh Thành Đông là ruộng trũng, lau sậy. Nhưng để đáp ứng nhu cầu của quan quân trong thành và gia đình họ, một bộ phận người buôn bán nhỏ, thợ thủ công từ nhiều địa phương khác nhau về đây làm ăn, dần dần hình thành nên cộng đồng dân cư ven sông Kẻ Sặt. Đây là cơ hội để cư dân Bảo Sài, Bình Lao phát triển.

Năm 1889, sau khi chiếm giữ được Thành Đông, thực dân Pháp quyết định phá đi để xây Sở Rượu[3]. Diện tích lớn còn lại được san lấp thành ruộng cấy. Nhiều nông dân ở Thái Bình và các huyện phụ cận được huy động thực hiện việc phá thành, sau đó họ ở lại định cư sinh sống.

Đến năm 1900, theo báo cáo của viên Công sứ Groleou, dân số ở quanh Thành Đông giảm còn 10.600 người, trong đó đã bao gồm cả các hộ dân của các làng Bình Lao, Hàn Giang, Hàn Thượng.

Ngày 12/12/1923, toàn quyền Đông Dương quyết định nâng trấn Hải Dương lên thành thành phố Hải Dương, yêu cầu phát triển đô thị lớn đã thu hút một lực lượng lao động đáng kể phục vụ bộ máy cai trị và mở mang nghề nghiệp. Một bộ phận nông dân vừa trồng lúa vừa trồng rau xanh trên một phần diện tích để phục vụ nội thành. Nghề trồng hoa cũng ra đời, nhắm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá cho một số người giàu có trong thành. Đầu thế kỷ 20, ở Bảo Sài phát triển thêm nghề mộc do ông Đoàn Bá Vy (người quê ở Hà Nam) là thợ cả dựng đền Tiên Dung đã lấy vợ người làng Bảo Sài và ở lại đây sinh sống, làm nghề. Ông truyền nghề cho người đầu tiên là ông Chử Đức Thuyết, sau đó hàng chục người theo học. Từ đó, nghề mộc ở Bảo Sài phát triển nhanh cả về đầu thợ, trình độ tay nghề và cơ cấu mặt hàng sản xuất.

Để bảo vệ thành phố Hải Dương mùa mưa bão, nhà chức trách cho đắp đê quai ngăn cách bãi triều với sông Kẻ Sặt, buộc một bộ phận ngư dân chuyển nghề từ đánh cá sang nghề trồng trọt và một số nghề nghiệp khác, từ đó dẫn tới quy mô làng xã hình thành thay thế cho quy mô chòm xóm. Tuy hoạt động sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng, là nguồn sống chính của nhân dân nhưng dưới tác động của nền kinh tế thuần nông lạc hậu, phân bón nghèo nàn, kỹ thuật cấy trồng lạc hậu, chủ yếu cấy một vụ/năm, năng suất canh tác thấp khi chỉ đạt bình quân từ 2 - 2,5 tấn/ha/năm, ngoài ra diện tích trồng khoai không đáng kể. Cộng với việc phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi hạn hán, úng lụt nên đời sống bấp bênh, túng thiếu.

Mặc dù là một phần của khu vực nội thị nhưng hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp trên địa bàn rất nghèo nàn. Ở phố Đông Hoà có khoảng 10 hộ làm nghề đúc đồng với các sản phẩm làm ra chủ yếu là đỉnh đồng, lư hương và một số đồ tế lễ, thờ cúng. Bên cạnh đó còn có vài ba bễ lò rèn, chủ yếu chữa dao, cuốc, liềm hái phục vụ cho bà con nông dân. Ở Đông Hoà còn có nghề tráng bánh đa, buôn bán đồng nát, lông ngan, lông vịt. Phần lớn bà con bán hàng rong hoặc làm thuê cho các nhà giàu trong phố.



Đến cách mạng tháng Tám năm 1945, sau khi giành chính quyền, tổng số dân trên địa bàn phố Bình Lao và phố Đông Hoà có khoảng 180 hộ, với trên 1.100 nhân khẩu.

Năm 2001, dân số của phường là 11.327 người và năm 2009 tăng lên là 11.684 người. Đến tháng 01/2020, dân số toàn phường là 12.152 người, được chia thành 11 khu dân cư.

Người dân trên mảnh đất phường Phạm Ngũ Lão ngày nay mang trong mình những nét văn hoá truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc bộ, đó là tình yêu quê hương tha thiết, sống tình nghĩa và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước. Truyền thống này được thể hiện rõ trong những phong trào đấu tranh và con người ưu tú đứng lên chiến đấu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông đất nước, sự bình yên của quê hương.

Người dân trên mảnh đất Bình Lao, Bảo Sài nói riêng, đất Hàn Giang, Thành Đông nói chung từ lâu đã có truyền thống hiếu học. Tiêu biểu cho các thế hệ hay chữ có Cụ Nguyễn Trác Luân, người làng Bình Lao thi đậu Tiến sĩ năm 1721, lúc mới 22 tuổi, làm quan được phong đến chức Phó đô Ngự sử.

Về mặt đời sống tinh thần, phần lớn nhân dân trên địa bàn phường theo đạo Phật và tín ngưỡng thờ thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ thánh… điều này được thể hiện trong việc trên địa bàn có hai ngôi chùa là chùa Bảo Sài và chùa Giác Lai thờ phật (nằm trong phần đất của công ty Sứ Hải Dương); 3 ngôi đình là Đình Bình Lao (trước cổng trường Lý Tự Trọng), Đình Bảo Sài, Đình Đông Hoà (nằm trong khuôn viên công ty Sứ Hải Dương nhưng nay không còn) là nơi thờ cúng, tế lễ thần Hoàng làng và là trụ sở để giải quyết việc công, điểm sinh hoạt văn hoá, vui chơi, ca hát của dân làng; 3 ngôi đền là đền Mẫu, đền Tiên Dung (trong khu vực chùa Bảo Sài), đền Bà (ở khu dân cư số 5) và miếu thờ Trương Mỹ.

Hầu hết các vị thánh, thần được thờ cúng là những nhân vật lịch sử có thật hoặc dựa theo truyền thuyết, được nhân dân kính trọng cảm phục về công lao, tài đức của họ. Lễ hội truyền thống tại các di tích này thường bắt đầu từ sau tết Nguyên Đán hàng năm và vào các ngày rằm, mồng một hằng tháng. Với lễ chính Hội thường mở cửa từ 7 đến 10 ngày, năm nào được mùa thì có thể kéo dài nửa tháng. Về phân lễ, nhân dân ăn mặc đẹp, nét mặt tươi vui xếp thành đội hình dài rước long đình, bát bửu, võng lọng, cờ xí; sau đó tổ chức trọng thể lễ tế Thần Hoàng, ca ngợi công đức của người, cầu người phù hộ, che chở cho dân làng được mạnh khoẻ, an khang. Tại đây, lễ tế trời đất cũng được tiến hành đúng nghi thức, với mong muốn trời đất ban cho mưa thuận, gió hoà, lúa khoai tươi tốt. Sau Lễ sẽ chuyển sang phần hội. Nhiều trò chơi truyền thống như: Đánh vật, chọi gà, đánh đu, đấu cờ người, thi tam cúc... được triển khai một lúc. Tối tối bà con tụ tập trước sân đình xem văn nghệ. Đó là những chiêng chèo hay từ Tứ Kỳ, Thanh Hà được diễn đi diễn lại nhiều lần, bà con vẫn thích thú, ít khi vắng mặt. Tiếp đó là những đêm hát ả đào với những điệu ca trù đầy sức quyến rũ, dành cho những người có chức sắc trong làng. Sau những ngày mở hội, tính thần bà con trở nên phấn chấn, hăng hái bắt tay vào cây cấy, đánh bắt cá, hẹn đến ngày hội năm sau.

Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân trên địa bàn phường được hình thành rất sớm, thông qua các đấu tranh, truyền thống này càng được hun đúc và lưu truyền qua các thế hệ, trở thành bản sắc riêng có của phường Phạm Ngũ Lão.

Ngược dòng lịch sử, vào những năm 40 sau Công nguyên khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, nhân dân trong nước hưởng ứng rất đông, tại Bình Lao, đã xuất hiện tướng quân Trương Mỹ. Theo lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, mặc dù còn trẻ tuổi, Trương Mỹ đã chiêu mộ được hàng chục thanh niên trai tráng ở quê hương nhập nghĩa quân đánh đuổi quân Đông Hán. Ông được giao trọng trách giữ vững mặt trận phía Đông và được Trưng Vương phong chức Đông Giang thống soái Đại tướng quân. Nhân dân địa phương cảm tạ ơn đức của ông đã lập đền thờ tại Đình Bảo Sài.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân ta càng phát huy truyền thống yêu nước, căm thù giặc, cùng với nhân dân cả nước kiên quyết đứng lên chiến đấu ngay trên mảnh đất thiêng liêng của mình, góp phần giữ vững chủ quyền dân tộc, mang lại bình yên cho cuộc sống. Đó là các trận tiêu điệt quân Lương (544-545); đánh quân nhà Đường (905); đuổi quân Nam Hán (938); diệt quân phản loạn Phạm Hồng Át, 1 trong 12 xứ quân (967); chặn quân Tống (1077); chống quân Nguyên Mông (1284-1285) và phá quân Minh (1427). Các trận chiến đấu ấy diễn ra trên ngã ba sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt, mà Bình Lao, Bảo Sài giữ vai trò trọng yếu.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước nhân nhượng, đầu hàng kẻ thù nhưng nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Hải Dương đã anh dũng đứng lên chiến đấu ngay từ những ngày đầu chúng đặt chân tới mảnh đất thân yêu.

Ngày 04/12/1873 (tức ngày rằm tháng 10 năm Quý Dậu) quân Pháp bắt đầu nổ súng đánh chiếm Thành Đông (thành Hải Dương). Cuộc chiến đấu của quan quân ở Thành Đông diễn ra hết sức quyết liệt nhưng do sức địch mạnh, Thành Đông thất thủ, quan quân rút ra ngoài thành. Nhân dân ở khu vực Bình Lao, Bảo Sài nêu cao tinh thần yêu nước bất hợp tác với Pháp. Đến ngày 31/12/1873, trước sức phản kháng của quan lại và nhân dân địa phương, cùng với việc tướng cầm đầu của quân Pháp tử trận, đồng thời muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thương thuyết với nhà Nguyễn nên quân Pháp đã trao trả lại Thành Đông.

Sau đó 10 năm, vào ngày 18/8/1883, quân Pháp huy động 300 lính cùng vũ khí tấn công đánh chiếm thành Hải Dương lần thứ hai. Nhân dân thành Hải Dương, trong đó có nhân dân trên mảnh đất Phạm Ngũ Lão tham gia chiến đấu chống lại quân đội Pháp nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên thành Hải Dương đã thất thủ.

Trong tháng 11/1883, nhân dân trên địa bàn đã giúp đỡ nghĩa quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc bao vây, tấn công Thành Đông.

Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Thành Đông và đặt chế độ quân quản tại đây, nhân dân trên địa bàn Bình Lao, Bảo Sài đã tích cực hưởng ứng, ủng hộ các cuộc tấn công của các nghĩa quân vào tỉnh lỵ Hải Dương, tiêu biểu như:

- Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật phát động tiến đánh thành Hải Dương vào đêm 28 rạng ngày 29/9/1885.

- Cuộc tấn công vào thành Hải Dương của nghĩa quân Đốc Tít vào ngày 23/7/1889.

- Cuộc tấn công vào thành Hải Dương vào đêm 13 rạng sáng 14/12/1897 của nghĩa quân của Mạc Đĩnh Phúc.

Vào những năm 1904 - 1907, hưởng ứng phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục do cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh khởi xướng, một số thanh niên và học sinh là người địa phương đã tham gia.

Đi đôi với chiếm đóng, thực dân Pháp tăng cường các thủ đoạn bóc lột về mọi mặt, trong lĩnh vực kinh tế, chúng đề ra chế độ thuế khoá vô cùng nặng nề và bất hợp lý, tiêu biểu là thuế thân (gọi là sưu) đánh vào nam đinh tuổi từ 18 đến 60, thuế chợ, thuế đò... làm cho người dân ở đây chịu cảnh lầm than, cơ cực. Với những người nông dân sống bằng nghề nông nghiệp có tới gần 70% nông dân không có ruộng đất, phải cấy ruộng công điền, ruộng phát canh thu tô của địa chủ. Ngày ba tháng tám, họ phải mò cua bắt ốc, làm thuê làm mướn kiếm đồng tiền, bát gạo. Đã thế họ còn bị bọn người giàu khinh rẻ, chửi bới, đánh đật rã man. Cộng vào đó là những hủ tục lạc hậu từ ngày xưa để lại, như khao vọng, cưới xin, ma chay quá mức khiến nhiều người kiệt quệ. khổ sở. Dã man nhất là chính sách thuế thân của chế độ thực dân Pháp với mức đóng hàng năm tăng dân theo ý muốn từ 2 - 3 đồng Đông Dương, tương đương từ 1 - 1,5 tạ thóc/năm. Đối với một số người dân sống phi nông nghiệp thì bình quân mỗi người dân trong một năm phải đóng thuế cho chính quyền thực dân với số tiền ngang với số tiền công lao động của mình từ 2 đến 3 tháng. Điều này đã làm cho người dân ngày càng bị bần cùng hoá và khổ cực.

Cùng với đó, thực dân Pháp còn thiết lập bộ máy cai trị hà khắc, đối với khu vực nội thị, ở cấp thành phố có tên Đốc lý do Chánh công sứ kiêm nhiệm, cùng mạng lưới mật thám, chỉ điểm, cảnh sát, các cơ quan thuế khoá ở nhiều nơi, việc trị an do tổ chức “phòng thành” đảm nhiệm, các đường, phố đều có trưởng phố, hộ lại và trương tuần. Ở khu vực ngoại thành, chúng lập bộ máy cai trị giống như ở các làng (xã) nông thôn khác trong tỉnh với ba cơ quan điều hành gồm: Cơ quan nghị quyết là Hội đồng kỳ dịch, đứng đầu là Hương trưởng (tiên chỉ); Hương trưởng có nhiệm vụ trông coi tài sản công tư của làng xã; Cơ quan chấp hành là Trưởng phó lý (lý trưởng); Cơ quan trị an là Trương tuần, Tuần đinh và các bộ phận chuyên môn giúp việc như trưởng bạ, thư ký, thủ quỹ…

Bên cạnh đó, chúng tăng cường thực hiện chính sách văn hoá nô dịch, đem văn hoá phản động, truy lạc, nhồi sọ dân ta để dễ bề thực hiện chính sách ngu dân, cai trị. Dù tự nhận là đi khai phá văn minh, nhưng thực chất chúng hạn chế tối đa việc mở trường dạy học (toàn thành phố chúng chỉ mở có 2 trường tiểu học nam và nữ (tương đương cấp I)) vì vậy mà người dân trên địa bàn có tới trên 80% mù chữ. Cả 2 làng Bình Lao, Bảo Sài chỉ có 3 lớp học tư dậy học từ vỡ lòng đến lớp 3. Có dăm bảy con nhà khá giả muốn học cao hơn phải lên tỉnh và Hà Nội học ở Trường Bưởi (Hà Nội), học trường Đông Hải (tương đương lớp 6, lớp 7). Tuy nhiên, đất Bình Lao, Bảo Sài nói riêng và đất Hàn Giang, Thành Đông nói chung từ lâu đã có truyền thống hiếu học. Tiêu biểu là cụ Nguyễn Trác Luân, người làng Bình Lao đỗ tiến sỹ năm 1721 lúc mới 22 tuổi, làm quan được phong đến chức Phó Đô ngự sử. Từ những năm 1900 đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, địa bàn có khoảng 10 người học chữ Hán, vài chục người học chữ quốc ngữ (trong đó có một số người đỗ Thành chung, Tú tài).

Các tệ nạn xã hội đua nhau phát triển. Bàn đèn thuốc phiện bày bán công khai. Nạn cờ bạc, rượu chè không sao kể xiết. Bệnh tật, ốm đau chỉ biết dựa vào thầy lang, thầy cúng. Các bệnh xã hội như ho lao, hủi, cổ chướng sơ gan vô phương cứu chữa. Dịch đau mắt, dịch đi ngoài xảy ra liên tiếp. Đường sá thì nhỏ bé, lây lội, đi lại rất khó khăn. Con trai từ lúc ẵm ngửa cha mẹ đã phải lo cho một cái lễ gọi là “lềnh” để trình làng. Nếu không có “lềnh” không được chia ruộng, còn bị làng khinh rẻ... Phụ nữ thì khổ sở, cơ cực gấp trăm lần. Khi đi lấy chồng, mỗi người phải nộp một cái lễ gọi là “cheo”. Lễ vật gồm có thủ lợn, mâm xôi, trầu cau, chè rượu và nhiều vật phẩm khác như: Gạch chỉ để lát đường, mâm đồng để làng tổ chức ăn khao. Ai chót lỡ lầm, hoặc vì quá yêu nhau mà có chửa thì chịu nhục suốt đời. Có người phải bán xới đi nơi khác…

Về tôn giáo, nhân dân nơi đây theo đạo Phật. Đạo Phật trở thành quốc đạo ở nước ta nhiều thế kỷ nên tỷ lệ phật tử ở Bình Lao, Bảo Sài và các làng quanh khu vực khá cao. Trên một diện tích hẹp,nhân dân đã xây dựng hai ngôi chùa, đó là chùa Bảo Sài và chùa Giác Lai.

Về tín ngưỡng, nhân dân có truyền thống thờ phụng tổ tiên, thờ thần, thờ thánh. Mỗi làng xây một ngôi đình: Đình Bình Lao, đình Bảo Sài, đình Đông Hoà. Đình thờ thần Hoàng. Đình không chỉ là nơi thờ cúng tế lễ, mà còn là trụ sở để giải quyết việc công, điểm sinh hoạt văn hoá, vui chơi, ca hát của dân làng. Như nhiều làng quê Việt Nam khác, hội đình Bình Lao, Bảo Sài, Đông Hoà bắt đầu từ sau tết Nguyên Đán. Hội mở cửa từ 7 đến 10 ngày. Năm nào được mùa thì có thể kéo dài nửa tháng.

Về phân lễ, nhân dân ăn mặc đẹp, nét mặt tươi vui xếp thành đội hình dài rước long đình, bát bửu, võng lọng, cờ xí; sau đó tổ chức trọng thể lễ tế Thành hoàng, ca ngợi công đức của người, cầu người phù hộ, che chở cho dân làng được mạnh khoẻ, an khang. Tại đây, lễ tế trời đất cũng được tiến hành đúng nghi thức, với mong muốn trời đất ban cho mưa thuận, gió hoà, lúa khoai tươi tốt. Tiếp theo chuyển sang phần hội. Nhiều trò chơi truyền thống như: Đánh vật, chọi gà, đánh đu, đấu cờ người, thi tam cúc... được triển khai. Tối tối bà con tụ tập trước sân đình xem văn nghệ. Đó là những chiếu chèo hay từ Tứ Kỳ, Thanh Hà được diễn đi diễn lại nhiều lần, bà con vẫn thích thú, ít khi vắng mặt. Tiếp đó là những đêm hát ả đào với những điệu ca trù đầy sức quyến rũ, dành cho những người có chức sắc trong làng. Sau những ngày mở hội, tính thần bà con trở nên phấn chấn, hăng hái bắt tay vào cây cấy, đánh bắt cá, hẹn đến ngày hội năm sau.
Ngoài đình chùa, bà con còn lập đền, miếu. Đó là đền Mẫu, đền Tiên Dung, đền Bà và miếu thờ Trương Mỹ, Đền Bình Lao. Hầu hết các vị thánh, thần được thờ cúng là những nhân vật lịch sử có thật hoặc dựa theo truyền thuyết, được nhân dân kính trọng cảm phục về công lao, tài đức của họ.

Trước thực trạng bọn thực dân, địa chủ phong kiến, tư bản trong và ngoài nước thi nhau bóc lột, vơ vét, nhân dân trong thành phố Hải Dương nói chung và địa bàn phường nói riêng rơi vào cảnh sống rất khổ cực. Sự phân hoá giai cấp ngày càng gay gắt, mâu thuẫn giữa những người lao động thành thị, nông thôn với bọn quan lại, tư sản, tay sai ngày càng tăng cao. Người dân lao động đã nhận thức ra việc cần phải đoàn kết trong lao động, trong đấu tranh chống thiên tai địch hoạ để tồn tại và phát triển, trong số đó lượng chủ yếu là thanh niên, học sinh, giáo viên với tâm huyết đấu tranh cho độc lập dân tộc. Chính lúc này, chỉ cần có ngọn cờ cách mạng phất cao là mọi người sẵn sàng đoàn kết lại đập tan các thế lực cai trị giành độc lập, tự do.

Do nằm gần thành Hải Dương, trung tâm tỉnh lỵ, giáp danh với hai đô thị lớn là Hà Nội và Hải Phòng, cùng với khu mỏ Mạo Khê và mỏ Hòn Gai nơi có phong trào hoạt động cách mạng sôi nổi của giai cấp công nhân và người dân lao động nên mọi ảnh hưởng của các phong trào đấu tranh đều dội vào nhanh chóng. Nhất là sau sự kiện cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917) thắng lợi, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Năm 1925, nhân dân địa phương đã tham gia vào phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh, một số thanh niên, học sinh trên địa bàn đã bị cảnh sát bắt giam, nhân dân bất chấp dùi cui, súng đạn tổ chức đấu tranh đòi thả bằng được các anh em bị bắt giam mới chịu giải tán.

Tháng 02/1927, đồng chí Đỗ Ngọc Du, hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã về thành phố Hải Dương tuyên truyền đường lối cách mạng và tổ chức ra Hội “Tương tế” trong các nhà máy, khu phố và khu vực ngoại thành. Từ các cơ sở đầu tiên, đồng chí đã tuyên truyền về cách mạng tháng Mười Nga, về phong trào đấu tranh của công nhân khắp nơi. Một số thanh niên, học sinh trong phường sau khi được giác ngộ được đưa vào các “Hội kín” tham gia hoạt động.

Cuối năm 1928, đồng chí Trần Cung (Giáo Cư), hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã về bắt mối, gây dựng cơ sở hội ở phố Cựu Thành, sau đó phát triển ra một số nơi trên địa bàn thành phố trong đó có Sở Rượu trên địa bàn phường.

Đầu năm 1929, chi hội của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập ở phố Cựu Thành đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nhân dân tiến bộ trong toàn thành phố. Qua quá trình hoạt động, các hội viên đã bí mật hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và cương lĩnh của Hội. Tuyên truyền giác ngộ quần chúng tích cực, tổ chức quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày trong các nhà máy, đường phố. Những ngày kỷ niệm Quốc tế lao động (1/5), cách mạng Tháng Mười Nga (7/11) truyền đơn, áp phích của chi hội rải và dán khắp các đường phố đông người qua lại, đã góp phần cổ vũ tinh thần quần chúng.

Do được giác ngộ về chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù đầu năm 1930, địch khủng bố rất dữ dội nhưng trên địa bàn thành phố nói chung và phường Phạm Ngũ Lão nói riêng các cơ sở quần chúng giác ngộ cách mạng vẫn tồn tại. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Xứ uỷ vẫn bí mật về bắt liên lạc và hoạt động.

Dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, đời sống cơ bản nhân dân trên địa bàn ngày càng khổ cực do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1928 - 1930 đã làm nhiều người mất việc, công nhân ở các nhà máy bị đuổi việc, bị cúp phạt không có việc làm, một số có việc làm cũng thường xuyên bị cắt xén lương, bị đánh đập. Tầng lớp nông dân bị mất đất phải cấy thuê với mức thuế cao đang lâm vào cảnh ngày càng khổ cực. Song hành với đó là tệ nạn xã hội tràn lan, bọn tay sai dựa thế quan thầy ra sức o ép nhân dân... Đây là cơ sở quan trọng để chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng của Đảng được gieo hạt, nảy mầm, phát triển trên địa bàn phường. Là cơ sở cho các phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo.